4 cách kết hợp phát huy tối đa công dụng của kỷ tử
Thứ ba - 04/07/2023 13:41Thứ ba - 04/07/2023 13:41
Thứ ba - 04/07/2023 13:41
Kết hợp kỷ tử với sơn trà, táo đỏ, long nhãn và khoai mỡ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngừa xơ vữa động mạch, dưỡng gan, làm dịu thần kinh và chống lạnh.
Kỷ tử là một vị thuốc bồi bổ sức khỏe, thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Không chỉ chứa nhiều chất dinh dưỡng, kỷ tử còn có các khoáng chất như vitamin C, beta-carotene, axit amin, kẽm, phốt pho, canxi và sắt.
Nhờ công dụng cải thiện giấc ngủ, làm chậm lão hóa da ở phụ nữ, hỗ trợ tuần hoàn máu và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, nhiều người đã lựa chọn vị thuốc này trong chăm sóc sức khỏe mỗi ngày. Một trong những cách phổ biến nhất là pha trà kỷ tử.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cho biết nếu chỉ pha kỷ tử với nước sẽ không thể giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng nhất từ loại quả này. Thay vào đó, nếu kết hợp với các nguyên liệu khác, hiệu quả thu được sẽ tăng gấp bội. Dưới đây là 4 cách sử dụng kỷ tử tối đa hóa tác dụng.
Kỷ tử kết hợp với long nhãn, táo đỏ giúp tăng gấp đôi công dụng.
1. Kỷ tử và sơn trà (táo gai)
Thái táo gai tươi hoặc táo gai khô thành miếng, cho vào cốc với kỷ tử, ngâm trong nước sôi khoảng 15 phút. Tác dụng nổi bật nhất của loại nước này là giúp hạ mỡ máu, bảo vệ mạch máu, tử đó phòng ngừa xơ cứng động mạch.
2. Kỷ tử và táo đỏ
Cho khoảng 10 g táo đỏ vào nồi, đảo đều với lửa vừa trong 10 phút cho tới khi vỏ táo dần chuyển sang màu sẫm. Trút ra đĩa, để nguội. Bạn có thể rang nhiều hơn và chờ nguội thì cho vào hộp kín dùng dần.
Cho táo đỏ nguội và kỷ tử đã rửa sạch vào ấm trà, thêm một ít đường phèn, sau đó rót nước nóng vào. Có thể điều chỉnh lượng đường phèn theo khẩu vị của riêng bạn. Đậy nắp ấm trà, để khoảng 5 phút rồi rót ra chén thưởng thức.
Nước kỷ tử ngâm táo đỏ có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng và bảo vệ gan. Ngoài ra, táo đỏ còn có tác dụng dưỡng khí huyết, được mệnh danh là "vitamin tự nhiên".
3. Kỷ tử với long nhãn
Sử dụng 20 g kỷ tử và long nhãn, 50 g nho khô, 20 g mật ong và 200 g dứa. Rửa sạch kỷ tử, nhãn, nho khô và dứa với nước, cho vào bát nhỏ, thêm mật ong và một lượng nước vừa đủ, cho vào nồi hấp cách thủy 20 phút. Chờ nguội bớt thì uống.
Tác dụng nổi bật của loại trà này là làm dịu thần kinh, giúp ngủ ngon. Những người hay bị mất ngủ, mơ màng, tim đập nhanh có thể uống thường xuyên. Trà có tác dụng dưỡng tâm rất tốt.
4. Kỷ tử với khoai mỡ
Khoai mỡ gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng vuông nhỏ. Vo sạch một ít gạo cho vào nồi nấu với khoai mỡ, thêm nước, đun lửa to rồi cho kỷ tử vào. Sau đó hạ nhỏ lửa, đun thêm 15 phút và tắt bếp. Rắc thêm hành lá và muối trước khi ăn.
Khoai mỡ và kỷ tử có nhiều điểm tương đồng, đều bổ thận, ích tinh, hạ đường huyết, dưỡng tỳ vị, bảo vệ dạ dày. Sử dụng món này vào mùa đông còn có thể tăng cường khả năng chống lạnh.